Ở các quốc gia như: Anh, Mỹ, Đức, lập quy hoạch hay phân vùng sử dụng vùng bờ đã được triển khai thực hiện từ rất sớm. Đây là những thông tin tham khảo cho Việt Nam trong xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc quy hoạch nhằm sắp xếp, phân định không gian vùng bờ cho các mục đích sử dụng khác nhau, nhằm giảm thiểu các xung đột, mâu thuẫn giữa các loại hình sử dụng tài nguyên, không gian ở vùng bờ, bảo tồn, bảo vệ hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và giá trị tự nhiên, văn hóa - lịch sử ở vùng bờ, thúc đẩy phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội của cộng đồng ven biển.
* Mỹ: Thiết lập các kế hoạch sử dụng biển cấp vùng
Ở Mỹ, quy hoạch sử dụng không gian biển do Hội đồng biển quốc gia điều hành chung và các Cơ quan quy hoạch vùng trực tiếp xây dựng, quản lý, tổ chức triển khai. Tham gia vào Cơ quan quy hoạch vùng có đại diện của quốc gia, của bang, của hội đồng quản lý nghề cá, của chính quyền và cộng đồng dân bản xứ và của chính quyền các địa phương lân cận. Cơ quan quy hoạch vùng thành lập Ban chỉ đạo, ban kỹ thuật và các nhóm làm việc khác nhau giúp công tác quản trị, điều phối các chuyên gia và các bên liên quan, cung cấp các ý tưởng, đề xuất, giải pháp giải quyết các vấn đề. Hội đồng biển quốc gia có những hướng dẫn về xây dựng các kế hoạch quản lý biển, cung cấp cơ sở khoa học cho các bang và các bên liên quan tổ chức xây dựng và triển khai quy hoạch không gian biển trên toàn quốc.
Một số vùng và các bang đã hoàn thành các kế hoạch quản lý biển cấp vùng (vùng Đông Bắc, vùng Trung Đại Tây Dương, vùng các Hồ Lớn, vùng các đảo Thái Bình Dương, vùng biển Caribê) và cấp bang (Massachusetts, Rohde Island, New York, Oregon, Hawaii). Một số bang khác đang xây dựng kế hoạch quản lý không gian biển, hoặc lập phân vùng biển.
Nước Đức ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi
* Anh: Xây dựng kế hoạch sử dụng không gian biển dài hạn
Ở Anh, hoạt động quy hoạch không gian biển do Tổ chức Quản lý Biển trực tiếp điều hành. Biển nước Anh được chia thành 11 vùng, bao gồm: Vùng ven bờ Đông Bắc; Vùng ngoài khơi Đông Bắc; Vùng ven bờ phía Đông; Vùng ngoài khơi phía Đông; Vùng ven bờ Đông Nam; Vùng ven bờ phía Nam; Vùng ngoài khơi phía Nam; Vùng ven bờ Tây Nam; Vùng ngoài khơi Tây Nam; Vùng ven bờ Tây Bắc; Vùng ngoài khơi Tây Bắc. Mỗi vùng xây dựng kế hoạch sử dụng không gian biển dài hạn (khoảng 20 năm) và được rà soát 3 năm một lần.
* Đức: Ưu tiên vận tải và năng lượng gió
Ở Đức, các vùng ưu tiên được chỉ định cho phát triển vận tải biển và năng lượng gió; các mục đích sử dụng khác bị cấm trong các vùng đó trừ khi chúng tương thích với các mục đích sử dụng ưu tiên. Việc chỉ định các vùng cho vận tải biển có tính đến nguyên tắc của luật quốc tế, do đó được ưu tiên. Các tuyến đường hàng hải được công nhận, không thể thiếu đối với vận tải biển quốc tế, tạo thành khuôn khổ của khái niệm quy hoạch tổng thể. Các vùng dự trữ được chỉ định cho các mục đích vận tải biển, lắp đặt đường ống và nghiên cứu khoa học được coi là đặc biệt quan trọng khi cân bằng với các mục đích sử dụng cạnh tranh có ý nghĩa về mặt không gian.
Hơn nữa, các vùng phát triển năng lượng gió sẽ được xác định bằng cách cho phép đồng sử dụng - ví dụ, có thể đánh bắt cá thụ động như bẫy cá, dùng lồng ở các khu vực bên ngoài của các trang trại gió. Các kế hoạch được trình bày bởi Bộ Nội vụ, xác định các bộ phận của Dogger Bank, một bãi cát xuyên quốc gia ở giữa Biển Bắc, là vùng ưu tiên bổ sung để phát triển năng lượng gió.
Mỗi khu vực ở Biển Bắc và Biển Baltic sẽ được tái định danh là khu vực ưu tiên cho năng lượng gió từ năm 2030, trừ khi Bộ Giao thông Vận tải Liên bang có thể chứng minh một cách thuyết phục vào cuối năm 2025 rằng những khu vực này là cần thiết cho vận tải biển. (Nguồn: Đường dây năng lượng sạch, 2021; UNESCO-IOC).