Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch không gian biển trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành cùng với 28 tỉnh, thành phố có biển.
Tư tưởng xuyên suốt Quy hoạch là bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, đa dạng sinh học, kỳ quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát huy các giá trị văn hóa, xã hội, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển. Việc hoàn thiện Quy hoạch không gian biển hướng đến mục tiêu vào năm 2050, toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo và hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển.
Trong quá trình xây dựng dự thảo hồ sơ Quy hoạch, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ, ngành, các đơn vị liên quan để tổ chức các cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Cổng TTĐT Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã lược ghi và gửi đến quý bạn đọc một số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý của địa phương có biển như sau:
Theo Ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh, với những tiềm năng, lợi thế đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển với cường độ cao như hiện nay cần phải đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững. Do đó, việc xây dựng và ban hành Quy hoạch không gian biển Quốc gia đối với việc phát triển kinh tế biển của Hà Tĩnh là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao giá trị và khả năng đáp ứng của biển, giảm các hệ lụy đối với biển trên cơ sở kết hợp hài hòa giữ lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trên cơ sở đó, có một thực tế dễ nhận thấy hiện nay mật độ tàu thuyền khai thác vùng ven bờ dày đặc, nguồn lợi ven biển bị cạn kiệt, tuy vậy cho đến thời điểm này là chúng ta vẫn chưa có điều tra đánh giá đầy đủ về trữ lượng nguồn lợi biển Việt Nam, đặc biệt vùng ven bờ, điều tra đánh giá về tàu, các loại nghề khai thác trên tàu trên phạm vi toàn quốc. Đây là việc các địa phương cần có, trên cơ sở đó để xây dựng quy hoạch khai thác phù hợp với từng địa phương, đặc biệt quy hoạch về cơ cấu số lượng, chủng loại các tàu, cơ cấu nghề hợp lý ở các vùng biển ven bờ, vùng lộng và vùng xa bờ.
Không những vậy, Hà Tĩnh là địa phương có chiều dài và diện tích biển lớn so với cả nước, có tính đa dạng sinh học biển cao, một số vùng có đối tượng đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao phát triển, như vùng phát triển tôm hùm tự nhiên tại biển Kỳ Xuân; vùng phát triển ốc hương tự nhiên tại Xuân Liên, Xuân Song của Nghi Xuân; Vùng biển xung quanh đảo Sơn Dương. Vì vậy, Hà Tĩnh đề xuất được nghiên cứu, khảo sát để có thể xây dựng khu bảo tồn biển, vùng khai thác thủy sản có thời hạn tại các vùng nói trên.
Theo ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, với mong muốn quy hoạch không gian biển quốc gia giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, liên vùng, liên quốc gia. Có Quy hoạch không gian biển cũng sẽ đẩy mạnh liên kết địa phương và vùng (trực tiếp là tiểu vùng Bắc Trung Bộ). Từ đó xây dựng các chính sách liên quan đến biển phù hợp với các văn bản cấp trên, trực tiếp là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên phù hợp với thực tiễn tại địa phương và phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với xây dựng, phát triển các đô thị biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển của Nghệ An và tiểu vùng Bắc Trung Bộ.
Phát triển toàn diện nguồn nhân lực biển, khoa học, công nghệ gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người vùng ven biển; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo, nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại khu vực địa phương được giao biển.
Ông Hoàng Quốc Việt đề nghị, cần tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ven biển, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển và các doanh nghiệp an tâm đầu tư cho các lĩnh vực biển. Đẩy mạnh tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về kinh tế biển; huy động nguồn lực, khuyến khích phát triển mọi thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững các ngành kinh tế biển.
Một ý kiến khác của TS. Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Tp. Đà Nẵng, đặc thù đó là cơ hội phát triển của đô thị ven biển Quảng Nam, với lợi thế chiến lược trong phát triển du lịch.
Về vấn đề quy hoạch đô thị ven biển, Tiến sĩ Phùng Phú Phong cho rằng, ngay cả khi du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế địa phương, các dịch vụ đô thị cho người dân địa phương vẫn là yếu tố cần thiết. Do đó, không nên quy hoạch đô thị ven biển theo kiểu đơn chức năng.
Thực tế cho thấy, hiện nay, khá nhiều đô thị ven biển như Tuy Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng đang dành nhiều ưu tiên cho phương tiện cá nhân, tạo thành sự ngăn cách giữa thành phố và biển. Đây là điều khá đáng tiếc.
Khuyến nghị được đặt ra, là nên quy hoạch không gian công cộng dọc bờ biển, ưu tiên cho người đi bộ và phương thức giao thông mềm, không đơn thuần là trục giao thông mà phải tạo ra tầm nhìn cho người đi bộ, hình thành thảm thực vật bản địa như một đặc trưng cho đô thị ven biển. Bên cạnh đó, yêu cầu kiến trúc ven biển cần đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa phải có tính bản địa của mỗi vùng, là yêu cầu cần thiết cho nhà cửa, công trình trong khu vực.
Kiến trúc ven biển là một loại hình công trình đặc thù, không giống như các công trình ở trong trung tâm đô thị hoặc các thành phố xa biển, kể cả về hình thức kiến trúc cũng như chức năng không gian sử dụng và giải pháp kỹ thuật. Kiến trúc khởi tạo từ ưu thế và sự khác biệt của thiên nhiên, môi trường khí hậu, hài hòa mục đích sử dụng công trình sẽ tạo nên sắc thái biển, một kiểu “định danh” về nơi chốn bằng kiến trúc.
Theo TS. Phùng Phú Phong, đến nay, còn khá nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có đủ sự quan tâm trên toàn bộ quỹ tài nguyên ven biển thuộc phạm vi địa phương mình, từ góc nhìn chiến lược về công tác quy hoạch kiến trúc, cũng như có cơ sở cho công tác quản lý. Chính điều này làm cho quá trình phát triển bị manh mún và kém sức hấp dẫn về thu hút đầu tư. Trong một thời gian dài, du lịch biển mới chỉ tập trung ở khu vực Điện Bàn, Hội An với việc hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Còn dải bờ biển phía nam, kể cả Tam Thanh (đô thị Tam Kỳ) cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu, chưa khởi sắc. Điều này đòi hỏi khát vọng, tầm nhìn thích hợp. Cùng với chiến lược thu hút đầu tư, định hướng phát triển quy hoạch phải xây dựng được bản sắc riêng cho vùng đất mới tạo dựng tương lai xứng tầm.